Hạ kali máu
Truyền dung dịch natri clorid 0.9% và glucose 5% có thể dẫn đến hạ kali máu. Theo dõi lâm sàng chặt chẽ được khuyến cáo ở những bệnh nhân có nguy cơ hạ kali máu, ví dụ: Bệnh nhân nhiễm kiềm chuyển hóa, bệnh nhân liệt chu kỳ do nhiễm độc tuyến giáp. Truyền tĩnh mạch glucose có khả năng dẫn đến rối loạn dịch và điện giải như hạ kali máu, bệnh nhân bị tăng tổn thương đường tiêu hóa (ví dụ: Tiêu chảy, nôn), kéo dài chế độ ăn uống có kali thấp, bệnh nhân cường aldosterone, bệnh nhân được điều trị với các thuốc làm tăng nguy cơ hạ kali máu (ví dụ thuốc lợi tiểu, beta - 2 agonists hoặc insulin)
Giữ natri, quá tải dịch và phù nề
Dịch truyền tĩnh mạch Natri clorid 0.9% & Glucose 5% Braun 500ml nên được sử dụng thận trọng đặc biệt trong các trường hợp:
Bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa.
Bệnh nhân có nguy cơ: Tăng natri máu, tăng clo máu, tăng thể tích máu bất thường.
Bệnh nhân ở tình trạng có thể dẫn đến giữ natri, quá tải dịch, phù nề (trung ương và ngoại biên) như: Cường aldosterone nguyên phát, cường aldosterone thứ phát, liên quan đến, ví dụ: Tăng huyết áp, suy tim xung huyết, bệnh gan ( bao gồm xơ gan), bệnh thận (bao gồm hẹp động mạch thận, xơ hóa thận), tiền sản giật.
Bệnh nhân dùng các thuốc có thể tăng nguy cơ giữ natri và dịch, ví dụ như corticosteroid.
Phụ thuộc vào thể tích, tốc độ truyền, tình trạng lâm sàng cơ bản của bệnh nhân và khả năng chuyển hóa của glucose, truyền dịch có thể gây ra:
Tăng áp lực thẩm thấu, lợi tiểu thẩm thấu và mất nước.
Rối loạn chất điện giải như: Hạ natri máu, hạ kali máu, hạ phosphate, hạ magnesi máu.
Mất cân bằng acid - base.
Ứ nước, tăng thể tích máu bất thường, ví dụ: Tình trạng tắc nghẽn, bao gồm phù trung tâm (tắc nghẽn phổi) và phù ngoại biên.
Tăng nồng độ glucose huyết thanh kết hợp với tăng nồng độ áp lực thẩm thấu huyết thanh. Lợi tiểu thẩm thấu kết hợp với tăng đường huyết có thể dẫn đến hoặc góp phần dẫn đến mất nước và mất các chất điện giải.
Mất cân bằng natri
Dịch truyền tĩnh mạch Natri chloride 0,9% & Glucose 5% Braun 500ml nên được sử dụng thận trọng đặc biệt ở các bệnh nhân mắc hoặc có nguy cơ hạ natri máu, ví dụ: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ, người sau phẫu thuật, người mắc chứng khát nhiều tâm sinh.
Hạ natri máu có thể dẫn đến đau đầu, buồn nôn, co giật, ngủ lịm, hôn mê, phù não và tử vong. Bệnh não do hạ natri máu cấp tính được xem là một cấp cứu y tế.
Đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng có thể cần thiết để theo dõi những thay đổi về cân bằng dịch, nồng độ điện giải và cân bằng acid – base trong khi điều trị đường tĩnh mạch kéo dài, hoặc bất cứ khi nào tình trạng bệnh nhân hoặc tốc độ truyền cần phải theo dõi chặt chẽ.
Tăng đường huyết
Truyền nhanh dung dịch glucose có thể gây ra tăng đường huyết đáng kể và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu. Để tránh tăng đường huyết, tốc độ truyền không được vượt quá khả năng sử dụng glucose của bệnh nhân. Để giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến tăng đường huyết, tốc độ truyền phải được điều chỉnh hoặc tiêm insulin nếu nồng độ đường huyết vượt quá mức chấp nhận của từng bệnh nhân.
Truyền tĩnh mạch glucose nên được thận trọng ở những bệnh nhân sau
- Suy giảm dung nạp glucose (như trong bệnh đái tháo đường, suy thận, nhiễm trùng, chấn thương, hoặc sốc).
- Suy dinh dưỡng nặng (nguy cơ hình thành một hội chứng nuôi ăn lại).
- Thiếu hụt thiamine, ví dụ ở những bệnh nhân nghiện rượu mãn tính (nguy cơ nhiễm toan lactic nặng do suy giảm chuyển hóa oxy của pyruvate).
- Rối loạn nước và chất điện giải có thể bị trầm trọng hơn do tăng glucose hoặc tăng tải nước tự do.
Thận trọng khi sử dụng dung dịch natri chloride 0,9% và glucose 5% trên các nhóm bệnh nhân khác bao gồm
- Bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tăng đường huyết liên quan đến tăng tổn thương não do thiếu máu cục bộ và làm suy yếu sự phục hồi sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính.
- Bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng (đặc biệt là trong 24 giờ đầu tiên sau chấn thương). Tăng đường huyết sớm đi liền với kết quả xấu ở bệnh nhân chấn thương sọ não nghiêm trọng.
Trẻ mới sinh
Truyền tĩnh mạch glucose kéo dài và kết hợp với tăng đường huyết có thể dẫn đến hậu quả làm giảm tỷ lệ bài tiết insulin.
Dung dịch chứa glucose nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng với ngô và các sản phẩm từ ngô.
Hội chứng nuôi ăn lại
Nuôi ăn lại bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng có thể dẫn đến hội chứng nuôi ăn lại, nó được đặc trưng bởi sự thay đổi của kali, phospho và magnesi nội bào do bệnh nhân trở nên đồng hóa. Thiếu hụt thiamin và giữ nước cũng có thể xảy ra. Theo dõi cẩn thận và tăng từ từ khẩu phần dinh dưỡng đồng thời tránh nuôi ăn quá mức có thể ngăn ngừa các biến chứng.
Suy thận nặng
Dịch truyền tĩnh mạch Natri chloride 0,9% & Glucose 5% Braun 500ml nên được sử dụng thận trọng đặc biệt ở bệnh nhân có nguy cơ suy thận nặng. Ở những bệnh nhân này, truyền dịch có thể dẫn đến giữ natri hoặc quá tải dịch.
Dùng cho bệnh nhân nhi
Tốc độ truyền và thể tích truyền phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, tình trạng lâm sàng và chuyển hóa của bệnh nhân, các liệu pháp điều trị đồng thời và nên được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa.
Lựa chọn cụ thể nồng độ, liều dùng, thể tích, tốc độ và thời gian truyền natri chloride và glucose phụ thuộc vào cân nặng, tuổi tác, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân và liệu pháp điều trị đồng thời và được quyết định bởi bác sĩ. Đối với bệnh nhân có điện giải và glucose bất thường và với bệnh nhân nhi, cần tham khảo bác sĩ có kinh nghiệm về điều trị dịch truyền tĩnh mạch. Khắc phục nhanh tình trạng hạ natri máu và tăng natri máu có khả năng gây nguy hiểm (nguy cơ bị biến chứng thần kinh nghiêm trọng)
Người lớn, người cao tuổi và người trưởng thành (> 12 tuổi)
Liều dùng được khuyến cáo là 500ml –3l/24 giờ. Tốc độ truyền thường là 40ml/kg/24 giờ và không vượt quá khả năng oxy hóa glucose để tránh tăng đường huyết. Do đó tốc độ truyền tối đa là 5mg/kg/phút.
Bệnh nhân nhi
Từ 0 – 10kg cân nặng: 100ml/kg/24 giờ, tốc độ truyền 6 – 8ml/kg/giờ.
Từ 10 – 20kg cân nặng: 1000ml + (50ml/mỗi kg từ 10kg trở lên)/24 giờ, tốc độ truyền 4 – 6ml/kg/giờ.
Từ > 20kg cân nặng: 1500ml + (20ml/mỗi kg từ 20kg trở lên)/24 giờ, tốc độ truyền 2 – 4ml/kg/giờ.