Khả năng chuyển hóa mỡ có tính cá thể và do đó cần được các nhân viên y tế theo dõi như thông lệ. Thông thường nên kiểm tra mức triglycerid trong máu. Cần lưu ý đặc biệt các bệnh nhân có nguy cơ bị tăng mỡ máu (ví dụ bệnh nhân được chỉ định truyền mỡ liều cao, nhiễm trùng nặng, trẻ sinh quá nhẹ cân). Nồng độ triglycerid trong máu không nên vượt quá 3mmol/l khi truyền dịch. Cân nhắc giảm liều hoặc ngừng truyền nhũ tương mỡ nếu nồng độ triglycerid trong máu khi truyền hoặc sau khi truyền vượt quá 3mmol/l. Việc quá liều có thể dẫn đến các triệu chứng quá tải mỡ.
Thuốc này có chứa dầu đậu nành, dầu cá và phospholipid từ trứng có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng chéo đã được quan sát thấy giữa đậu nành và lạc.
Cần thận trọng khi sử dụng Smoflipid trên bệnh nhân có suy giảm chuyển hóa lipid, thường thấy ở những bệnh nhân suy thận, đái tháo đường, viêm tụy, suy chức năng gan, suy tuyến giáp và nhiễm trùng.
Các tài liệu về sử dụng trên bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận còn hạn chế.
Việc sử dụng đơn thuần các acid béo mạch trung bình có thể dẫn đến toan chuyển hóa. Nguy cơ này phần lớn được hạn chế bằng việc truyền đồng thời các acid béo mạch dài có trong sản phẩm Smoflipid. Việc sử dụng cùng lúc carbohydrat sẽ hạn chế thêm nguy cơ này.
Vì vậy, nên truyền đồng thời với dung dịch carbohydrat hoặc dung dịch acid amin có carbohydrat. Các xét nghiệm chung để theo dõi việc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch cần được tiến hành thường xuyên. Các xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm mức đường máu, các xét nghiệm chức năng gan, chuyển hóa acid - base, cân bằng dịch thể, xét nghiệm công thức máu và điện giải.
Nếu có bất kỳ phản ứng phản vệ (như sốt, rùng mình, mẩn đỏ da hoặc khó thở) nên quyết định ngừng truyền ngay lập tức.
Thận trọng khi truyền Smoflipid cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh non bị bilirubin niệu tăng và các trường hợp bệnh nhi bị tăng áp phổi, ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non cần cung cấp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch lâu dài, cần theo dõi kết quả đếm tiểu cầu, xét nghiệm chức năng gan và nồng độ triglycerid trong máu.
Mức mỡ máu cao có thể gây nhiễu đối với các xét nghiệm máu, ví dụ như xét nghiệm hồng cầu.
Nên tránh bổ sung thêm các thuốc khác hoặc các chất khác vào nhũ tương Smoflipid trừ khi đã biết rõ tính tương thích.
Tùy theo khả năng chuyển hóa được lượng mỡ truyền vào của bệnh nhân, nên điều chỉnh liều dùng và tốc độ truyền, xem mục thận trọng và cảnh báo đối với người lớn.
Liều chuẩn là 1 - 2g mỡ/kg thể trọng/ngày, tương ứng với 5 - 10ml/kg thể trọng/ngày.
Tốc độ truyền gợi ý là 0,125g mỡ/kg thể trọng/giờ, tương ứng với 0,63ml Smoflipid/kg thể trọng/giờ và không nên vượt quá 0,15g mỡ/kg thể trọng/giờ, tương ứng với 0,75ml Smoflipid/kg thể trọng/giờ.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Liều ban đầu nên là 0.5 -1g mỡ/kg thể trọng/ngày, sau đó tăng thêm 0.5 – 1g mỡ/kg thể trọng/ngày.
Liều tối đa là 3g mỡ/kg thể trọng/ngày. Không vượt quá liều khuyến cáo 3g mỡ/kg thể trọng/ngày, tương ứng với 15ml Smoflipid/kg thể trọng/ngày. Tốc độ truyền không được vượt quá 0.125g mỡ/kg thể trọng/giờ.
Đối với trẻ sinh non và nhẹ cân, nên truyền Smoflipid liên tục trong 24 giờ.
Đối với trẻ em
Không vượt quá liều khuyến cáo 3g mỡ/kg thể trọng/ngày, tương ứng với 15ml Smoflipid/kg thể trọng/ngàỵ. Nên tăng dần liều hằng ngày trong tuần đầu dùng thuốc. Tốc độ truyền không được vượt quá 0.15g mỡ/kg thể trọng/giờ.